IS GOD OMNIPRESENT?

Mỗi lần đọc cuốn này lai thấy vài chỗ thú vị mới, vài suy nghĩ mới. Về bài viết này, cũng định viết thật chuẩn chỉnh vì có nhiều bạn kêu cần phải có dẫn chứng, rồi Kinh Thánh các loại, nghĩ cũng đúng nhưng hơi lười, nên đây chỉ là rảnh rỗi cầm điện thoại gõ lên facebook vài suy nghĩ nhanh thôi. Một lúc nào đấy sẽ viết lại bài này nhưng thật rõ ràng và mạch lạc.

hanh-trinh-ve-phuong-dong

Có một ý được lặp lại nhiều lần với giáo đoàn phương Tây là chân lý mà những đạo sư Ấn Độ chia sẻ chẳng ở đâu xa mà có ngay ở trong Kinh Thánh Cơ Đốc. Nói vậy thì cũng đúng, nhưng là ở một tầng nào đó. Còn nếu ở tầng câu chữ, ngay cả việc nếu coi Kinh Thánh là một tác phẩm tập thể không phải do mặc khải đọc chép từng từ một, hay bỏ qua hết các biểu hiện bề ngoài và các loại truyền thống-văn hóa, thì Thượng Đế của Ấn giáo và Thiên Chúa trong Kinh Thánh cũng có nhiều điểm khác biệt khá cốt lõi và khó có thể dễ dàng được nhận định là một.

Một trong số đó là sự hiện diện của Thượng Đế.

Thượng Đế có phải tồn tại khắp mọi nơi? Is God omnipresent?

Giải thích về Ấn giáo có vẻ hơi xa lạ. Có lẽ nên lấy một ví dụ Phật giáo. Trong Phật giáo thì thông thường sẽ không hiện hữu hoặc không quan trọng vai trò của Thượng Đế mà ở đây được hiểu là tạo vật chủ, là nguyên nhân đầu tiên có vai trò sáng tạo ra vũ trụ. Nhưng ngay cả khái niệm Thượng Đế cũng không phải lúc nào cũng bao hàm hết các tầng nghĩa về nguyên nhân đầu tiên và cao nhất trong các truyền thống Ấn giáo. Một khái niệm khác bao quát và chính xác hơn đó là Sự Thật Tối Thượng – The Ultimate Truth. Nếu dùng khái niệm này thì đã tìm thấy sự tương đồng với Phật giáo.

Sự thật tối thượng nằm ở đâu? Cả Ấn giáo và Phật giáo đều thừa nhận sự hiện diện của sự thật tối thượng hay chân Như ở khắp mọi nơi, ở trong vạn vật. Khi Đức Phật Thích Ca giác ngộ, ngài chỉ cần nhìn một chiếc lá, thấy được vòng đời sinh tử của chiếc lá đó cũng thấy được chân lý Vô Ngã Niết Bàn ở trong đó. Hay chân như luôn có sẵn ở mọi nơi trong vũ trụ, hay ở các trường phái Phật giáo Đại thừa Á Đông hay nhận định chúng sinh đều có phật tính và đều có thể thành phật.

Tương tự trong Ấn giáo, Thượng Đế – Linh hồn Vũ Trụ – Đại Ngã sinh ra vạn vật và gửi vào đó một phần biểu hiện và tính chất của mình. Cái phần linh thiêng trong vạn vật đó chính là phần linh hồn – tiểu ngã. Tiểu Ngã có cùng tính chất linh thiêng với Đại Ngã. Một người khi tu luyện đạt tới mức độ cao nhất là khi họ thấu hiểu bản ngã ngay ở bên trong họ, thấu hiểu phần linh thiêng trong họ, chỉ cần hiểu chính họ thôi, là sẽ hiểu được cả vũ trụ vì khi đó tiểu ngã bên trong không còn bị che mờ bởi ảo ảnh vô minh mà đã hòa làm một với đại ngã. Paramatma reunifies with Brahman

Trong khi các tôn giáo độc thần Abraham lại khác hẳn, Thiên Chúa của họ không tồn tại ở khắp mọi nơi như vậy.

Nếu dùng từ omnipresent với nghĩa là có thể hiện diện ở bất cứ đâu ngay cả nhiều nơi cùng một lúc thì đúng vì đó chỉ là một năng lực phải có khi Thiên Chúa là toàn năng (omnipotent). Nhưng Thiên Chúa không tồn tại ở trong các tạo vật do chính mình tạo ra. Ví dụ như người họa sĩ vẽ một bức tranh thì nếu chúng ta hiểu về bức tranh, chúng ta sẽ có thể hiểu được một phần nào đó tính cách của người họa sĩ, nhưng không thể nào hiểu tất cả, và bức tranh chắc chắn khác tính chất với người họa sĩ, người họa sĩ cũng không ở trong bức tranh. Vạn vật chỉ là sản phẩm của Thiên Chúa mà thôi.

Các tôn giáo như Do Thái và Hồi giáo đặc biệt phủ nhận tính chất tồn tại ở mọi nơi của Thiên Chúa vì nếu chấp nhận như vậy đồng nghĩa với việc đồng ý có khả năng một tạo vật nào đó có thể là đồ vật, con vật, hay con người nào đó có thể có cùng tính chất, toàn năng và toàn trí như Thiên Chúa và có thể được phụng thờ như các tôn giáo đa thần.

Riêng Cơ Đốc giáo khó khăn hơn một chút vì Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo có tồn tại dưới dạng khí – Chúa Thánh Thần – Holy Spirit và dạng con người – Chúa Jesus. Đặc biệt là Chúa Jesus cùng một lúc mang cả hai tính chất, người thường và thần thánh (divinity). Theo đó, với tính chất của một con người Chúa Jesus không thể tồn tại ở nhiều nơi một lúc trong một cơ thể, nhưng với tính chất thánh thần thì ngài có thể. Chỉ là duy có ngài có tính chất linh thiêng đó, chúng sinh không thể vì luyện tập hay một cách nào đó mà có được.

Về cơ bản các tôn giáo độc thần Abraham phủ nhận việc Thiên Chúa tồn tại bên trong và có cùng tính chất với vạn vật chúng sinh. Chúa có thể hiện diện ở bất cứ đâu ( ngay cả cùng lúc), toàn năng và toàn trí, Chúa chứa đựng mọi thứ, ở trên mọi thứ nhưng không gì chứa đựng hay chia sẻ chung tính chất với Chúa cả.

Chỉ một sự khác biệt nhỏ thôi và đôi khi vẫn dùng được chung một từ chỉ tính chất nhưng lại dẫn tới những khác biệt vô cùng lớn trong quá trình biểu hiện ra bên ngoài của hai nhánh tôn giáo. Bên này sẽ thấy nói về bản chất của chính chúng ta nhiều hơn, luyện tập về tâm thức, về bản ngã, ai đó nói phật tại tâm vì tâm ai cũng đã có tính phật, có tính chất để trở thành phật. Còn bên kia sẽ hướng ra bên ngoài nhiều hơn, tuân thủ thánh luật nhiều hơn là tự tìm mình đi tìm vào bên trong (vì chúng ta không có tính chất thần thánh, rất có thể tự tìm sẽ lạc lối), nếu ai đó nói rằng Chúa tại tâm thì nên có nghĩa là Chúa luôn ở bên ta, hiểu ta và nghe ta cầu nguyện.

Bình luận về bài viết này